Xã Phú Thịnh, một trong những địa phương thời gian vừa qua xuất hiện nhiều xưởng bóc ván gỗ nhất. Thống kê của UBND xã, toàn xã có 8 cơ sở, trong đó có 5 cơ sở mới mở đầu năm 2019, hiện tại đã có 2 xưởng dừng sản xuất vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Tháng 4-2019, ông Nhữ Văn Tuất, thôn Đát Trà, xã Phú Thịnh đầu tư 800 triệu đồng để mua máy cưa, máy bóc làm ván gỗ, song chưa đầy 8 tháng hoạt động, ông Tuất đã phải nếm trải thua lỗ. Ông Tuất buồn rầu chia sẻ, đầu năm 2019, giá gỗ bóc lên rất cao, khoảng 2,4 – 2,5 triệu đồng/m3. Ngỡ thị trường gỗ bóc suôn sẻ, không ngờ từ tháng 9 trở lại đây, gỗ bóc liên tục xuống giá chỉ còn ở mức 1,8 – 2,2 triệu đồng/m3 do thị trường Trung Quốc không nhập hàng.
Cùng thôn Đát Trà, xã Phú Thịnh, xưởng bóc ván của anh Nguyễn Văn Kiên mở từ năm 2017 nhưng giờ đây cũng phải giảm công suất do ván bóc sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ. Anh Kiên cho biết, từ tháng 9 trở lại đây, xưởng của anh chỉ hoạt động 10 ngày/tháng; công suất máy bóc cũng giảm từ 8 m3/ngày xuống 4 m3/ngày. Anh Kiên lo ngại, ván bóc nhiều, thị trường tiêu thụ chậm, phải phơi phóng, hao hư chưa nói đến vấn đề đọng vốn.
Xã Thái Bình cũng có đến 5 xưởng bóc ván, trong đó có 3 xưởng mở mới. Ông Trịnh Hải Đăng, thôn 2, xã Thái Bình, một trong 2 hộ làm nghề bóc ván lâu năm chia sẻ, cuối năm 2018, đầu năm 2019, giá lên cao, ván bóc ra đến đâu thương lái từ Vĩnh Phúc lên bốc tươi luôn với giá 2,3 – 2,5 triệu đồng/m3 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá gỗ tăng cao, một số gia đình lao vào đầu tư giàn máy gồm cưa, bóc với giá từ 600 – 800 triệu đồng. Giá phập phù như hiện nay các cơ sở sẽ khó có thể hoàn lại được vốn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Phòng Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, thị trường gỗ bóc từ trước đến nay vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tình trạng gia tăng cơ sở bóc ván gỗ hoặc mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn huyện Yên Sơn vừa qua đã dẫn đến những tổn thất cho chính các cơ sở, thậm chí là đe dọa đến vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chế biến lâm sản. Tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu gỗ lớn giữa các cơ sở bóc ván đã từng xảy ra. Ông Sơn đề nghị, các địa phương kiểm soát chặt chẽ, thông tin, tuyên truyền để người dân tìm hiểu kỹ thị trường, thận trọng trong đầu tư, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, bảo quản kém dẫn đến giảm giá trị của sản phẩm ván bóc.