Từ nghề mộc truyền thống của gia đình, chị Đỗ Thị Xuân (SN 1977) ở xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đã học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất bóc gỗ ván ép. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng chị đã trở thành chủ của một cơ sở chế biến gỗ có doanh thu cao hàng năm.
Gỗ bóc không phải là nghề mới trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, song đây là mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình vừa cho thu nhập cao, vừa đảm bảo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Nói về việc chuyển đổi mô hình sản xuất, chị Xuân cho biết, mặc dù gia đình có truyền thống làm nghề mộc và kinh doanh đồ mộc nhưng nguồn gỗ nguyên khối ngày càng khan hiếm. Thực tế, thị trường cũng đang chuyển sang tiêu thụ gỗ ván ép công nghiệp. Nắm bắt được xu thế này, chị đã tìm hiểu nhiều nguồn hàng và tham khảo các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Chị cũng nghiên cứu kỹ nguồn cung từ tỉnh khác, rồi mới quyết định chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh.
“Gia đình có truyền thống làm nghề mộc lâu năm cho nên về hạ tầng khá thuận lợi, có sân bãi, phôi gỗ, có nguyên liệu gỗ tại địa bàn dồi dào, nguồn nhân công cũng tương đối ổn định. Đó là những thuận lợi của vợ chồng tôi khi khởi nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều khó khăn mà chúng tôi phải kiên nhẫn vượt qua”, chị Xuân chia sẻ.
Một trong những khó khăn mà chị gặp phải đó là cần nguồn vốn lưu động lớn nhưng lúc đó vốn của gia đình rất hạn hẹp. Sản xuất gỗ phụ thuộc vào thời tiết nên dẫn đến thu nhập của người lao động không ổn định. Những ngày đầu khởi nghiệp, nguyên liệu đầu vào, đầu ra còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó máy móc, trang thiết bị cũng chưa được đầu tư như mong muốn.
Được Hội LHPN xã hỗ trợ thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Xuân đã đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay, xưởng đã tạo công ăn việc làm cho 8-10 công nhân, với thu nhập ổn định 6-10 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, để đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên cho công nhân và đảm bảo nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, chị Xuân tiếp tục tìm hiểu, liên kết nhiều chủ rừng, các mối bao tiêu sản phẩm để tiếp cận thị trường đa dạng, tránh phụ thuộc vào một mối hàng hay một địa bàn xuất xưởng.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong ngành gỗ bóc, chị cho biết: “Trước tiên và quan trọng nhất là phải xác định đúng đắn mục tiêu, hướng đi, có hoạch định chiến lược ngắn hạn, dài hạn cho xưởng sản xuất của mình. Mục tiêu được xác định rõ ràng và nhất quán thì sẽ rút ngắn thời gian đưa xưởng sản xuất gỗ vào quỹ đạo hoạt động, tạo sản phẩm, doanh thu. Nguồn vốn mở xưởng sản xuất gỗ cũng cần tính toán kỹ các loại chi phí như mặt bằng, thi công xây dựng xưởng, trang thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, chi phí nhân công, thuế…”.