Khoảng 2 năm lại đây, hoạt động chế biến gỗ bóc phát triển khá mạnh tại các địa phương trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện có phong trào trồng rừng hiệu quả như Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể… Hoạt động này mang lại giá trị kinh tế cho cả người trồng rừng lẫn người chế biến, tuy nhiên từ thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết khi phát triển loại hình sản xuất này.
Đi dọc tuyến quốc lộ 3, đặc biệt từ khu vực các xã Nông Thịnh, Nông Hạ (Chợ Mới) cứ vài trăm mét lại thấy cảnh những hàng gỗ bóc phơi la liệt trong các khu đất trống ven đường. Các xưởng sản xuất gỗ bóc xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các xã trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Thoại là chủ cơ sở sản xuất gỗ bóc tại xã Nông Thịnh (Chợ Mới) cho biết, xưởng gỗ bóc của anh sử dụng gần 10 lao động, gồm người trực tiếp đứng máy, vận chuyển, phơi… với mức tiền công 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất được khoảng 5m3 gỗ bóc thành phẩm. Theo anh Nguyễn Văn Thoại, làm bóc gỗ có ưu điểm là quy trình quay vòng vốn nhanh, dễ hạch toán, thu nhập ổn định, sớm thu hồi tiền đầu tư ban đầu. Với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 300 – 350 triệu đồng là có thể trang bị đủ máy cắt gỗ, máy bóc ván và máy cắt ván tự động đủ để mở một xưởng bóc gỗ. Quy trình vận hành máy cũng rất đơn giản, người thạo việc bảo người mới làm, chỉ mất khoảng hai ngày thực hành tại xưởng theo hình thức “cầm tay chỉ việc” là có thể làm thành thạo. Đến thăm một số xưởng chế biến gỗ bóc trên địa bàn các xã: Nông Thịnh, Nông Hạ (Chợ Mới), Tân Tiến (Bạch Thông) và một vài cơ sở bóc gỗ tại thị xã Bắc Kạn, chúng tôi được chứng kiến một quy trình khá đơn giản để sản xuất ra những tấm bóc thành phẩm. Từ cây gỗ tròn nguyên liệu, gỗ được cắt thành từng khúc rồi chuyển sang máy bóc tu (gọt vỏ) và sau đó cho vào máy bóc lồng qua hệ thống máy chặt đưa ra những tấm gỗ bóc. Những tấm bóc này sẽ được chuyển ra bãi rộng để phơi khô. Sản phẩm gỗ bóc này sẽ được những đầu mối thu mua đến tận nơi gom về tiếp tục tạo thành ván ép xuất khẩu hay tạo ván gỗ dăm công nghiệp.
Tại Chợ Mới, nhiều cơ sở sản xuất đã thu hồi được vốn chỉ trong vòng hơn một năm. Thấy người ta làm được mình cũng làm được, nhiều gia đình huy động mọi nguồn lực tài chính vay mượn, hoặc anh em hàng xóm chung vốn mở xưởng. Mặt bằng rộng rãi có sẵn, tận dụng nguồn nguyên liệu rừng dồi dào tại địa phương không tốn nhiều chi phí vận chuyển, đồng thời lại giải quyết được việc làm cho hàng xóm, anh em họ hàng… Đó là những điều kiện thuận lợi để nhiều người đổ vốn đầu tư mở xưởng chế biến gỗ bóc.
Nếu như trước đây hoạt động sản xuất gỗ bóc chỉ xuất hiện tại huyện Chợ Mới thì hiện nay những cơ sở dạng này đang “nở rộ” ở hầu khắp các địa bàn. Theo số liệu khảo sát, tại địa bàn huyện như Bạch Thông hiện có 6 xưởng gỗ bóc; Ba Bể có 5 xưởng (hiện nay chỉ còn 3 xưởng đang hoạt động), nhiều xưởng bóc gỗ tại Chợ Đồn và thị xã Bắc Kạn. Riêng huyện Chợ Mới, theo số liệu thống kê của Phòng Tài Chính – Kế hoạch huyện thì chỉ có 15 cơ sở đăng ký giấy phép kinh doanh sản xuất gỗ bóc. Tuy nhiên, trên thực tế con số này còn có thể nhiều hơn.
Hiệu quả kinh tế bước đầu
Lợi nhuận khá cao trong khi vốn đầu tư không nhiều chính là điểm hấp dẫn khiến nhiều người đổ xô vào đầu tư sản xuất gỗ bóc. Với giá mua nguyên liệu gỗ keo từ 700.000 – 900.000 đồng/m3, 1m3 gỗ keo cho ra 0,65m3 thành phẩm và bán với giá từ 1,8 – hơn 2 triệu đồng/m3 tấm bóc. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày một xưởng với công suất trung bình 5m3 tấm bóc cũng lãi vài trăm nghìn đồng. Theo anh Ngô Văn Thược, xã Nông Thịnh (Chợ Mới), đó là khoản thu nhập khá trong bối cảnh kinh tế thị trường khó khăn như hiện nay.
Nhờ nghề bóc gỗ, đời sống của nhiều hộ dân cũng được cải thiện, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Hùng- công nhân tại một xưởng bóc gỗ tại Chợ Mới chia sẻ: Là anh em họ với chủ xưởng nên anh theo học và làm nghề bóc gỗ được gần một năm nay. Công việc tương đối dễ dàng với thu nhập mỗi tháng 4 triệu đồng cũng đủ để gia đình anh ổn định cuộc sống, quan trọng hơn là công việc không phải đi xa mà làm ngay cạnh nhà rất thuận tiện.
Nhiều cơ sở sản xuất gỗ bóc sau một thời gian hoạt động hiệu quả đã đầu tư mở rộng quy mô như gia đình anh Đoàn Văn Chiến, xã Nông Hạ (Chợ Mới). Tận dụng 1.000m2 mặt bằng sẵn có gần quốc lộ 3, anh mở xưởng bóc gỗ được khoảng 8 tháng. Sản phẩm gỗ bóc của xưởng được một doanh nghiệp ở Hà Nội nhận bao tiêu toàn bộ. Nguồn cung ổn định. Thấy hiệu quả, anh đang đầu tư thêm trạm biến áp, xe múc, máy móc… để mở thêm một xưởng băm gỗ với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.
Được biết, những sản phẩm ván bóc này được thu mua và xuất sang một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp trong nước, phục vụ nhu cầu sản xuất các sản phẩm từ gỗ. Những phế phẩm thừa sau sản xuất như lõi gỗ, vụn gỗ… tận dụng bán cho các xưởng băm gỗ cũng mang lại một nguồn thu nhất định. Đối với người trồng rừng, hiện tại, bán gỗ cho các xưởng bóc gỗ đang mang lại nguồn thu cao nhất. Không phải gia đình nào cũng đủ kinh tế “nuôi rừng” cho tới khi đạt từ 7- 10 năm tuổi. Trong hoàn cảnh phải lo nhiều về tiền bạc thì việc chặt rừng non để bán cũng là dễ hiểu.
Gia đình ông Trần Văn Thu, xã Hòa Mục (Chợ Mới) hiện có 50ha rừng keo, vừa qua ông đã khai thác và bán được 10ha cho các xưởng chế biến gỗ. Ông Thu cho biết, dù biết gỗ trồng 9 – 10 năm sẽ bán được giá cao tầm 2 triệu/m3, tuy nhiên thường những cây để quá to sẽ bị mối, sâu rỗng trong thân. Vì vậy khi rừng được chừng 5- 7 năm tuổi là ông đã tiến hành khai thác.
Đối với người trồng rừng, thấy ai mua cao hơn thì bán là điều bình thường của thị trường. Vấn đề cần nhìn nhận ở đây là những xưởng gỗ bóc trên địa bàn hiện nay đều là quy mô hộ gia đình, vốn ít, dây chuyền sản xuất chất lượng thấp nên sản phẩm làm ra vẫn chỉ là sơ chế. Đầu ra cho sản phẩm nguyên liệu thực sự bấp bênh, chủng loại, giá cả, khối lượng sản phẩm đều phụ thuộc vào nhu cầu của bên thu mua, chịu sức ép lớn của thị trường tiêu thụ. Như vậy, không ai rõ những xưởng gỗ bóc này có thể duy trì sản xuất được bao nhiêu lâu nữa./. (Còn nữa)